Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương

Chính sách Đại Đông Á

Mục tiêu cuối cùng của Nhật trong cuộc "Nam tiến" là thành lập "Khối Thịnh vượng chung Đại Đông Á" (Daitoa kyoeyken), một danh từ do Bộ trưởng ngoại giao Yosuke Matsuoka sử dụng lần đầu vào ngày 1 tháng 8 năm 1941, gồm có Đế quốc Nhật Bản, Mãn Châu quốc, Bắc Trung Hoa, Đông Dương, Thái Lan, Miến Điện, Ấn Độ, Mã Lai, Indonesia, ÚcNew Zealand.[111]

Vai trò của Nhật, theo kế hoạch của người Nhật, không chỉ giới hạn trong lĩnh vực kinh tế, mà còn bảo vệ quân sự và dẫn dắt chính sách nội bộ của các nước trong khối. Riêng về mặt kinh tế, vai trò của các nước Đông Nam Á cũng khác hẳn vai trò của Mãn Châu quốc và Bắc Trung Hoa. Ở miền bắc Đông Á, Nhật muốn xây dựng một khu công nghiệp trong khi miền Nam châu Á thì lại trở thành thị trường và nơi cung cấp nguyên liệu.[111]

Nhật Bản đưa ra chiêu bài Đại Đông Á, tuyên bố giúp các dân tộc da vàng đánh đổ ách thống trị của thực dân da trắng để lập nên khu vực thịnh vượng chung này.[53] Thực ra, đó chỉ là một biện pháp ngụy biện cho sự xâm lược. Khi quân Nhật đang thắng, chiêu bài này ít được nói đến nhưng khi tình thế bắt đầu khó khăn từ năm 1943, thủ tướng Hideki Tojo nhận thấy phải nâng cao lại chiêu bài này. Tháng 7 năm 1943, ông đã đến Singapore, gặp gỡ các lãnh tụ dân tộc Đông Nam Á.

Sau cuộc gặp này, Tojo đã tuyên bố trả lại phần lớn lãnh thổ Shan lại cho Miến Điện.[112] Ngày 1 tháng 8 năm 1943, tướng Masakazu Kawabe làm lễ trao trả "độc lập" lại cho Ba Maw, chủ tịch nhà nước Miến Điện. Đến ngày 14 tháng 10 năm 1943, Nhật tiếp tục trả "độc lập" cho Philippines, với José P. Laurel làm quốc trưởng.[113] Một tuần lễ sau, chính phủ lâm thời giải phóng Ấn Độ do Chandra Bose đứng đầu, được hình thành ở Singapore. Riêng Indonesia có quá nhiều tài nguyên nên Nhật chưa trao trả độc lập ngay được.[114]

Tuy nhiên trái với những gì tuyên bố, Nhật Bản đã thiết lập một ách thống trị bằng bạo lực và khủng bố đồng thời thẳng tay bóc lột các vùng chiếm đóng để phục vụ cho chiến tranh.[53] Theo tài liệu của Trung Quốc, cuộc xâm lược của Nhật Bản đã làm cho hơn 11 triệu người Trung Quốc chết, tổng số thiệt hại vật chất hơn 56 tỉ dollar.[115]Triều Tiên, hơn một triệu người bị bắt đi lao động ở các hầm mỏ ở Nhật và hàng chục vạn người bị bắt lính đưa sang Đông Nam Á.[116] Ngày 1 tháng 11, chính quyền Nhật Bản thành lập Bộ Các vấn đề Đại Đông Á[117] để khai thác tài nguyên và duy trì guồng máy cai trị của Nhật. Hậu quả là ở miền Bắc Việt Nam, gần 2 triệu người bị chết đói vì nạn đói vào đầu năm 1945.[118] Các nước Đông Nam Á khác như Mã Lai, Miến Điện, Philippines, Indonesia,… số phận của người dân bản xứ cũng không có gì may mắn hơn dưới chính sách bóc lột của "người anh cả da vàng" với 2 triệu người chết ở Indonesia và 1,1 triệu người ở Philippines. Những mô hình về tổ chức của Nhật Bản, như mô hình hàng xóm liên kết để địa phương kiểm soát, giờ cũng được thi hành ở vùng chiếm đóng.[119] Những nhu cầu của người Nhật được đáp ứng ưu tiên, có nghĩa là dầu mỏ, bauxite, thiếc, kẽm,… đều phải được chuyển từ Đông Nam Á sang Nhật Bản, khát vọng của dân địa phương không hề được đếm xỉa đến.[120]

Hội nghị Đại Đông Á

Đầu tháng 11 năm 1943, "Hội nghị Đại Đông Á" đã được triệu tập tại Tokyo gồm Thái Lan, Miến Điện, Philippines, Mãn Châu quốc, chính quyền Uông Tinh Vệ ở Trung Hoa. Ấn Độ đến với tư cách là quan sát viên.[114]

Mở đầu hội nghị, thủ tướng Nhật Bản Hideki Tojo đã phát biểu về nhiệm vụ của khối thịnh vượng chung là "xây dựng một trật tự mới, tiền đề để phát huy sự sung túc của nhân dân trong vùng".[121] Sau đó, lần lượt đại biểu các nước phát biểu, trong đó riêng có bài diễn văn của Ba Maw (Miến Điện) và Chandra Bose (Ấn Độ) gây ấn tượng sâu sắc. Ba Maw kêu gọi:

Trong nhiều thế hệ qua, mẹ châu Á đã đánh mất bầy con. May nhờ nước Đại Nhật Bản, người anh cả, chúng ta đã tìm lại được mẹ. Vậy từ đây, chúng ta hãy nắm tay nhau. Một ngàn triệu người châu Á tiến về phía trước xây dựng một thế giới mới, thế giới của tự do, hạnh phúc và sung túc.[122]

Về góc độ ngoại giao, hội nghị là một thành công của Tojo nhưng tư tưởng giới quân phiệt Nhật lại đối chọi với mục đích hội nghị. Cho nên, khi các đại biểu ra về, tinh thần hội nghị cũng tan theo.[123]

Phong trào kháng chiến chống Nhật của nhân dân châu Á

Ách thống trị của Nhật Bản tại những vùng chiếm được của châu Á quá tàn bạo và chỉ phục vụ lợi ích riêng nước Nhật đã làm cho phong trào kháng chiến ở các vùng này lên cao. Tại Trung Quốc, hàng triệu quân du kích của Đảng Cộng sản và quân Quốc dân Đảng của Tưởng Giới Thạch đã đánh tiêu hao lực lượng, quấy phá hậu phương quân Nhật,[124] kiềm chế hơn 1 triệu quân Nhật trên đất Trung Quốc.[125] Tại Triều Tiên, dưới sự lãnh đạo của Kim Nhật Thành, nhân dân Triều Tiên đã có những hoạt động chống Nhật bí mật.

Tại Mã Lai, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, quân du kích chống Nhật đã phát triển lên đến 10.000 người, giải phóng được hơn ½ lãnh thổ ở nông thôn trên toàn quốc.[126] Tại Philippines, vào cuối tháng 2 năm 1942, đã thành lập đội quân nhân dân chống Nhật mang tên Hukbalahap. Đến tháng 2 năm 1945, đội quân này đã lên tới 7 vạn người.[124]

Trong khi đó, phong trào ở Miến ĐiệnIndonesia do giới trí thức dẫn dắt, có sự hợp tác của Đảng Cộng sản. Còn Thái Lan có "Phong trào Thái Lan tự do" có 50.000 người tham gia và được Mỹ viện trợ vũ khí để tổ chức thành lực lượng vũ trang đông gần 10.000 người.

Việt Nam, vào tháng 5 năm 1941, Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Việt Minh) đã ra đời. Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, mặt trận đã chỉ đạo cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc khỏi hai tầng áp bức Pháp-Nhật. Các căn cứ địa cách mạng được xây dựng ở vùng núi Cao-Bắc-Lạng.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Chiến_tranh_Thái_Bình_Dương http://ajrp.awm.gov.au/AJRP/AJRP2.nsf/437f72f8ac2c... http://wwii.ca/index.php?page=Page&action=showpage... http://www.china.org.cn/english/features/celebrati... http://www.avalanchepress.com/MexicanAirForce.php http://forum.axishistory.com/viewtopic.php?f=65&t=... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/137119/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/247568/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/310634/k... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/381684/B... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/456391/B...